Thời tiền sử Lịch_sử_Lưỡng_Hà

Thời đồ đá mới tiền đồ gốm

Toàn cảnh di chỉ Gotbekli Tepe với mái che hiện đại để bảo vệ di tích trước thời tiết

Sự định cư của con người tại Lưỡng Hà vào thời kỳ đồ đá mới giống như thời kỳ đồ đá cũ trước đây, bị giới hạn ở các khu vực chân đồi của dãy núi TaurusZagros và các thung lũng thượng lưu sông Tigris và Euphrates. Thời kỳ tiền đồ gốm A (PPNA) (10.000 - 8,700 TCN) chứng kiến sự ra đời của nông nghiệp, trong khi bằng chứng lâu đời nhất về thuần hóa động vật bắt đầu từ quá trình chuyển đổi từ PPNA sang thời kỳ tiền đồ gốm B (PPNB, 8700 - 6800 TCN) vào cuối thiên niên kỷ thứ 9 TCN. Quá trình chuyển đổi này đã được ghi nhận tại các địa điểm như Abu Hureyra và Mureybet, nơi tiếp tục được định cư từ thời Natufia sang đến thời PPNB.[15][18] Theo các nhà khai quật, các tác phẩm điêu khắc hoành tráng và các kiến trúc vòng tròn bằng đá tại Gotbekli Tepe ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ có từ thời PPNA/PPNB sớm và đại diện cho nỗ lực chung của một cộng đồng lớn của những người săn bắn hái lượm.[19][20]

  • Phục dựng nhà ở tại Aşıklı Höyük, Thượng Lưỡng Hà, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
  • Bình thạch cao, Syria, cuối thiên niên kỷ 8 TCN.
  • Đầu gắn trượng, cuối thiên niên kỷ 8 TCN.
  • Nồi thạch cao vùng Trung Euphrates, 6500 TCN, Bảo tàng Louvre
  • Nồi thạch cao, vùng Trung Euphrates, 6500 TCN, Bảo tàng Louvre
  • Tượng nữ, thiên niên kỷ 8 TCN, Syria.

Thời đồ đồng đá

Sự phát triển của Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ thứ 7 đến thứ 5 TCN có các trung tâm là văn hóa Hassuna ở phía bắc, văn hóa Halaf ở phía tây bắc, văn hóa Samarra ở trung Lưỡng Hà và văn hóa Ubaid ở phía đông nam, sau đó mở rộng ra toàn bộ khu vực.

Vùng Lưỡi liềm Màu mỡ được định cư bởi một số nền văn hóa khác nhau, phát triển hưng thịnh từ cuối kỷ băng hà cuối cùng (k. 10.000 TCN) cho đến đầu thời kì lịch sử. Một trong những địa điểm thời đồ đá mới lâu đời nhất được biết đến ở Lưỡng Hà là Jarmo, thành lập vào khoảng năm 7000 TCN và cùng thời với Jericho (ở Levant) và Çirth Hüyük (ở Anatolia). Nó cũng như các địa điểm thời sơ kỳ đồ đá mới khác, như Samarra và Tell Halaf nằm ở phía bắc Lưỡng Hà. Các khu dân cư sau này ở miền nam Lưỡng Hà đặc trưng bởi các phương pháp tưới tiêu phức tạp. Địa điểm đầu tiên trong số này là Eridu, được thành lập trong thời văn hóa Ubaid bởi những người nông dân mang theo văn hóa Samarra từ phía bắc.

Văn hóa Halaf (Tây Bắc Lưỡng Hà)

Văn hóa Halaf đặc trưng với đồ gốm được trang trí với các hoa văn trừu tượng và các bức tượng đất sét có ý nghĩa phồn thực được vẽ tay. Đất sét là vật liệu chính; thường được nặn tạo hình và sơn hình trang trí màu đen. Các nồi, bình và bá chế tác thủ công và nhuộm cẩn thận đã được đem ra trao đổi. Thuốc nhuộm là đất sét có chứa sắt oxit được pha loãng ở các mức độ khác nhau hoặc trộn thêm với nhiều loại khoáng chất để tạo ra các màu sắc khác nhau.

Văn hóa Hassuna (Bắc Lưỡng Hà)

Văn hóa Hassuna là một văn hóa thời đồ đá mới ở phía bắc Lưỡng Hà có từ đầu thiên niên kỷ thứ sáu TCN. Nó được đặt tên theo khu vực khảo cổ Tell Hassuna ở Iraq. Một số di chỉ khác cũng tìm được tư liệu văn hóa Hassuna, bao gồm Tell Shemshara.

Văn hóa Samarra (Trung Lưỡng Hà)

Tượng nữ, văn hóa Samarra, 6000 TCN

Văn hóa Samarra là một nền văn hóa thời đồ đồng đá ở phía bắc Lưỡng Hà có niên đại khoảng 5500-4800 TCN, trùng lặp một phần với Hassuna và đầu Ubaid.

Văn hóa Ubaid (Nam Lưỡng Hà)

Thời kỳ Ubaid (k. 6500–3800 TCN)[21] là một thời kỳ tiền sử của Lưỡng Hà, lấy tên từ di chỉ Tell al-'Ubaid ở Nam Lưỡng Hà, nơi tìm thấy những dấu tích sớm nhất của thời kỳ Ubaid qua các cuộc khai khuật của Henry Hall và sau này là Leonard Woolley.

Ở Nam Lưỡng Hà, thời kỳ này là thời kỳ sớm nhất được biết đến trên đồng bằng phù sa, mặc dù có khả năng các thời kỳ trước đó bị che lấp dưới lớp phù sa.[22] Nó kéo dài rất lâu, từ khoảng 6500 đến 3800 TCN, được tiếp nối bởi thời kỳ Uruk.[23]

Văn hóa Ubaid mở rộng lên phía Bắc

Ở Bắc Lưỡng Hà, thời kỳ Ubaid chỉ diễn ra trong khoảng từ 5300 đến 4300 TCN.[23] Nó diễn ra sau thời kỳ Halaf và thời kỳ chuyển tiếp Halaf-Ubaid và được tiếp nối bởi thời kỳ Đồ Đồng đá muộn. Thời kỳ mới được đặt tên là Bắc Ubaid để phân biệt với Ubaid ở miền nam Lưỡng Hà.[24] Có hai ý kiến giải thích cho sự chuyển tiếp văn hóa. Thứ nhất là có thể có một cuộc xâm lược và người Halaf bị thay thế bởi người Ubaid, tuy nhiên, ý kiến này bị bác bỏ do không có sự gián đoạn giữa văn hóa Halaf và bắc Ubaid.[25] Lý thuyết hợp lý hơn là người Halaf đã tiếp nhận văn hóa Ubaid.[26][27]

Thời kỳ Uruk

Tiếp theo là thời kỳ Uruk. Được đặt theo tên thành phố Uruk của Sumer, thời kỳ này chứng kiến sự xuất hiện của thành thị ở Lưỡng Hà. Nó được tiếp nối bởi nền văn minh Sumer.[28] Thời kỳ Uruk muộn (thế kỷ 34 đến 32) chứng kiến sự xuất hiện dần dần của chữ viết hình nêm và tương ứng với thời đồ đồng sơ kì; nó cũng có thể được gọi là "thời kỳ Tiền-Văn tự".